Đình chùa, nhà thờ Cổ_Nhuế

Cổ Nhuế có nhiều đình, chùa, nhà thờ tập trung ở cả bốn làng Hoàng, Đống, Trù và Viên với 3 ngôi chùa: Chùa Sùng Quang (Thôn Đống 2), Chùa Anh Linh (Thôn Viên 1), Chùa Trùng Hưng (Thôn Hoàng 2). Có hai ngôi đình ở 2 thôn Viên 2 và Hoàng 2, thờ thành hoàng làng (Hoàng Tử Đông Chinh Vương- Lý Công Lực, con trai vua Thái tổ Lý Công Uẩn), Đền Bà chúa thờ Túc Trinh công chúa, con gái vua Trần Thánh Tông. Lễ hội của làng thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ tế thành Hoàng làng vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Ngoài ra ở thôn Viên 1 và Viên 2 còn có Lễ mộc dục và Lễ cúng thực(Công chúa Túc Trinh thời Trần) vào ngày 1 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Từ thập niên 1970 các nhà khảo cổ đã đào được một số di vật dưới lòng đất ở đây như: rìu đá, hòn nghiền, hòn cà bằng đá, hòn gạch vuông có hoa văn trám lồng đời Hán, tượng cá hóa rồng thời Lý - Trần[cần dẫn nguồn].

Nhà thờ Cổ Nhuế nằm ở thôn Viên, được xây dựng từ năm 1884. Có thể tóm tắt lược sử như sau:

Tin Mừng đến với Giáo xứ Cổ Nhuế từ năm 1883, thời cha cố Mỹ, và cũng là năm giáo xứ chính thức được thành lập. Sau một năm thành lập giáo xứ, một số gia đình đã dâng hơn 15.000 m2 ruộng đất để cày cấy và làm nhà thờ, trong đó có Bà Tổng Chiêu thôn Hoàng dâng 3600m2.

Nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm 1884 bằng tường gạch, cột gỗ, mái ngói. Song, vào tháng 12 năm 1947, một số kẻ xấu mang rơm rạ chất lên ghế bên trong nhà thờ phóng hỏa. Nhà thờ này bị cháy chỉ còn bốn bức tường. Năm 1953, cha cố Giuse Trần Ngọc Liễn cho tu sửa lại ngôi nhà thờ bị đốt cháy và đến năm 1954, Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê về dâng lễ tạ ơn khánh thành. Mặc dù đã được tu sửa lại, nhưng vì nhà thờ cũ đã phải chịu sự tác động tiêu cực do con người và thiên nhiên, nên không thể tiếp tục sử dụng được nữa.

Xét thấy cần phải xây dựng lại ngôi thánh đường mới vừa bảo đảm an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ, ngày 5 tháng 3 năm 2014, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã ký văn bản chấp thuận cho giáo xứ Cổ Nhuế được giải hạ nhà thờ cũ để xây dựng ngôi nhà thờ mới này; ngày 28 tháng 11 năm 2014 thành phố Hà Nội đã cấp phép xây dựng cho giáo xứ và đến ngày 6 tháng 10 năm 2018 thì nhà thờ mới được cung hiến và khánh thành.

Truyền thống nghề may của xã

  • Làng nghề may Cổ Nhuế có từ lâu đời. Khoảng năm 1920 do sản xuất nông nghiệp bị sút kém nên người dân Cổ Nhuế phải tìm thêm nghề để sinh sống, trong đó có nghề may. Lúc đầu chỉ có ông Trưởng Cốm ở thôn Trù và vài người làm nghề thợ may, sau phát triển dần. Đến năm 1935, cả xã có hàng trăn chiếc máy khâu và có nhiều người ra phố làm nghề may. Người có vốn thì mở hiệu may, người không có vốn thì đi may thuê. Có những thợ may giỏi được chủ đặt tên cho hiệu may của mình. Thời bao cấp, xã thành lập những hợp tác xã may gia công hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu địa phương. Khi các hợp tác xã giải thể, nhiều xã viên mua máy về nhà để làm thêm. Trong những năm 1990 - 1992, nghề may phát triển nhờ may hàng xuất khẩu đi Ba Lan và Liên Xô. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là áo Giắc -ket, quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình. Lúc phát triển, làng có tới hàng trăm hộ chuyên nghề may, xuất hiện nhiều hộ có số vốn hàng tỷ đồng, trở thành những chủ hiệu lớn. Từ năm 1993, làng nghề chuyên sản xuất những mặt hàng nội địa và nhận gia cong cho một số nhà máy dưới hình thức là hộ tư nhân và các công ty trách nhiệm hữu hạn. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng: quần áo mùa hè, mùa đông của cả người lớn và trẻ em. Nguồn nguyên liệu là vải được nhập khẩu từ Trung Quốc. Công nghệ sản xuất bằng máy may công nghiệp. Nhân lực lao động chủ yếu là sử dụng lao động phổ thông, tự đào tạo. Hiện nay, mặc dù làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường tiêu thụ, thiếu vốn, nhiều lao động chưa qua đào tạo, mặt bằng sản xuất không đều, nhưng cũng đã tạo việc làm cho khoảng 7000 lao động, thu nhập ổn định và cũng ký kết được một số hợp đồng xuất khẩu nước ngoài. Ngoài sản xuất theo hộ gia đình, nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập nhận gia công cho các xí nghiệp, thậm chí họ còn nhận gia công cho những hộ sản xuất nhỏ theo thời vụ.
  • Từ những năm đầu thế kỷ 20, nghề may không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho dân làng Cổ Nhuế mà còn tạo ra những thay đổi về cơ cấu dân cư, quan hệ xã hội của làng, đặc biệt là làm hình thành đội ngũ công nhân may mặc có tay nghề cao, có ý thức cao về vị thế xã hội của mình. Đây là cơ sở để làng Cổ Nhuế sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Mùa hè năm 1938, đã thành lập Hội ái hữu thợ may Cổ Nhuế, sau đó đông đảo thợ may Cổ Nhuế cùng nông dân đã đưa đơn kiện bọn cường hào làng xã thu lạm tiền thuế thân từ 2,5 đồng lên 3 đồng một suất và đã giành được thắng lợi. Đại tướng Văn Tiến Dũng (người thôn Cổ Nhuế Trù) là Thư ký Hội ái hữu thợ dệt Hà Nội đã viết bài trên báo Tin tức - tờ báo công khai của Đảng CSVN để cổ động cuộc đấu tranh. Năm 1939, diễn ra cuộc đấu tranh đòi tăng lương của 600 thợ may Cỏ Nhuế ở Sở Quân nhu. Sau đó, Cổ Nhuế trở thành một điểm trong An toàn khu của Trung ương. Cuối năm 1940, Chi bộ Cổ Nhuế được thành lập, lãnh đạo nhân dân đấu tranh.